BÊN KIA ĐỊA ĐÀNG - TỘI TỔ TÔNG

Chúng ta đã nói tới một chệch hướng nào đó đã xẩy ra trong tạo dựng. Cái nhìn đó là nền tảng cho giáo huấn về tội tổ tông, do thánh An-tịnh hình thành. Giáo huấn dạy, vì tội Adam ngảnh mặt lại với Chúa và Eva bị cám dỗ ăn trái cây hiểu biết, nên sự chết và tội đã đi vào thế gian. Xưa nay, người ta vẫn luôn tranh cãi gay gắt về giáo huấn này, kể cả trong Giáo Hội. Sách Khởi-nguyên còn nói, con người bỗng dưng sợ Chúa. Phải chăng tội tổ tông quả là nét bản chất nền tảng nhất của con người không?

Không, tội tổ tông không phải là nét bản chất nền tảng nhất, nhưng nó là một thực tại mà ta có thể cảm nhận được sự hiện diện của nó – cả cho dù ta chỉ nhận ra nguồn gốc phát sinh của nó qua hình ảnh mà thôi. Một người bạn tôi đã khuất, ông ta là tay phê phán rất gay gắt, có lần nói với tôi: Tôi quả gặp khó khăn với nhiều tín điều. Nhưng có một tín điều mà tôi chả cần phải tin, là vì tôi cảm nhận nó hàng ngày, đó là tội tổ tông.

Qua những suy tư về con người trên đây, ta luôn nhận ra một nếp gẫy, một gián đoạn nào đó nơi con người, khiến nó không trở nên được như nó có thể trở nên. Sách Khởi-nguyên xem nếp gẫy đó như thể là một thời điểm khởi đầu lịch sử. Kinh Thánh Cựu Ước chưa coi điều đó là hậu quả của tội nguyên, nhưng Cựu Ước càng ngày càng gây nơi ta ý thứcrằng, con người luôn hướng về sự dữ. Và trong Kinh Thánh, chính Chúa đã nói trước và sau cơn hồng thuỷ: “Ta thấy chúng chỉ là xác thịt, chúng yếu ớt, chúng ngã theo sự dữ”.

Giáo huấn tội nguyên do An-tịnh đưa ra, đúng, nhưng căn bản nội dung của nó đã nằm sẵn trong thư gởi Rô-ma của thánh Phao-lô. Phao-lô một lần nữa đọc câu chuyện trong Khởi-nguyên dưới ánh sáng Đức Ki-tô. Và ngài nhận ra toàn bộ lịch sử đã được kể ra qua câu chuyện khởi đầu đó. Ngài bảo, ngay từ đầu, con người đã mang nỗi kiêu căng cho rằng mình đã nắm được chìa khoá hiểu biết, chẳng cần gì Chúa nữa, cũng chẳng cần chìa khoá mở ra sự sống, chẳng phải chết nữa, và vân vân. Từ việc rút lui khỏi Chúa, con người rốt cuộc trốn mặt Ngài. Lòng tín thác của tình yêu bỗng dưng trở thành nỗi sợ hãi trước một Thiên chúa đáng sợ và quá quyền uy.

Nghĩa là, ngay từ đầu, con người bị khống chế bởi ám ảnh của sự hiểu biết, và đó là tất cả cái bất hạnh của con người?

Đối với Phao-lô, câu chuyện trong sách Khởi-nguyên rõ ràng minh chứng cho thấy cái gián đoạn nơi con người, lạ thay, đã có ngay từ đầu. Nó là kết quả của toàn bộ lịch sử con người, mà ta phải biết tới. Tuy nhiên, kết quả đó chỉ có thể được trình bày ra và nghĩ ra một cách rõ ràng đầy đủ, một khi lực đối đầu xuất hiện. Nghiã là chỉ sau khi Đức Ki-tô đến và đi ngược lại nó, thì cái gián đoạn kia mới có thể gánh chịu được, và có thể nói, mới được công nhận, vấn đề là thế.

Cũng thuộc thư gởi Rô-ma của Phao-lô còn có thư gởi Phi-líp, chương hai, như một bài thánh ca của Ki-tô giáo sơ khai, (thư này) xuất hiện trước Phao-lô. Theo thư này, Adam giờ đây muốn giật lấy chìa khóa hiểu biết cho mình, và như vậy là muốn chiếm đoạt những gì dành riêng cho Chúa. Adam muốn cao bằng Chúa và chẳng cần Ngài nữa.

Nhưng Thiên Chúa đã tạo ra một lịch sử đối nghịch, khi Ngài xuống trần qua Đức Ki-tô, sống thân phận nghèo hèn con người cho tới chết trên thập giá. Qua đó, Ngài lại mở ra cánh cửa giúp ta có thể quay về với Chúa, và giúp ta nhận ra kiêu căng chính là hạt nhân mọi tội lỗi. Ngài đã cùng đau với ta, để kéo ta vào lại trong cộng đoàn gia đình Ngài. Vì thế, tôi tin rằng, ta không bao giờ được tách tường thuật Khởi-nguyên ra khỏi lịch sử Đức Ki-tô, khi đọc sách đó.

Nhưng, sau cái chết của Đức Ki-tô chết trên thập giá, tội tổ tông vẫn không được bứng ra khỏi thế gian.

Không, nó vẫn còn đó, ai cũng thấy. Nhưng trước đây, nó là vật cản bí ẩn và là nếp gẫy mà ta không vượt qua được, thì giờ đây đã có câu trả lời qua sức mạnh thứ tha của Chúa. Sức mạnh này làm cho hoạt động của ta, cuộc sống ta, việc làm của ta trở nên không phải vô ích. Nhưng nó đưa chúng vào một nội dung khác, và như vậy, nó cũng đề ra cho chính chúng ta một mẫu sống đức tin. Nếu ta sống theo nó, nghĩa là cùng bước đi với Đức Ki-tô, ta sẽ vượt qua được mọi vật cản, mọi nếp gẫy.

Tuy nhiên, Thiên Chúa không những cất đi ơn nên thánh khỏi Adam và Eva, mà còn khỏi cả nhân loại. Tại sao? Chúng ta là hậu sinh, đâu có tội tình gì?

Quan trọng là phải hiểu chữ tổ tông hay sự hiện hữu liên tục của nếp gãy nơi con người như thế nào. Chắc chắn các câu trả lời của ta cũng chẳng giải toả được hết mọi điều. Nhưng ta hãy bắt đầu với từ ơn nên thánh.

Mất ơn đó, có nghĩa là tương giao bị gián đoạn. Ta mất sự liên lạc đầy tin cậy và sống động với Chúa. Liên lạc này là cội nguồn và có lực chữa lành mọi liên lạc giữa người với người. Mất liên lạc, Chúa trở thành lu mờ trong ta. Ta trốn Ngài, và vì lô cốt của ta xây kĩ quá, nên ta cũng chẳng còn thấy Ngài nữa.

Chúng ta sinh ra trong gián đoạn liên lạc đó, trong thế giới đổ vỡ quan hệ đó. Và ta thấy Kinh Thánh diễn tả điều đó một cách tâm lí tuyệt hay, khi kể rằng, sau vụ phạm tội, Adam và Eva lập tức đổ lỗi cho nhau trước mặt Chúa. Như thế, gián đoạn tương giao với Chúa tức khắc khiến con người đâm ra chống đối nhau. Bởi vì ai chống Chúa, kẻ đó cũng chống lại người khác.

Như vậy, mất ơn nên thánh như là hạt nhân của tội nguyên tổ có nghĩa là một gián đoạn tương giao đã xẩy ra, và gián đoạn này đã trở thành một thành phần của cấu trúc lịch sử con người. Dĩ nhiên, mỗi chúng ta chẳng có lỗi gì trong chuyện này, nhưng vì chúng ta được sinh ra trong đó, nên ta cần đến người tái lập tương giao kia. Và vì Chúa chẳng muốn hành hạ hay tra tấn hoặc phạt con người, nên Ngài đã tự mình nối lại tương giao, và qua đó, sửa lại cái đã đổ vỡ. Khi ta nói về tội nguyên tổ, nghĩa là nói về cái tương giao đổ vỡ mà ta bị thẩy vào trong đó, ta phải luôn nói thêm, là Chúa cũng đã khởi sự lập tức nối lại và chữa lành lại tương giao đó. Nếu nói tới tội nguyên, mà không đề cập gì tới câu trả lời của Chúa, thì quả ta rơi vào vòng phi lí.

Kinh Thánh viết tiếp, cả hai liền mở mắt ra “và nhận thấy mình trần truồng. Họ kết lá cây vải làm khố che thân”. Tôi nghĩ, quả là chuyện khó chấp nhận, một huyền thoại thật cổ xưa và cơ bản như thế mà lại dính tới chuyện đạo đức thái quá như thế?

Không, chắc chắn không. Bức tranh đó nói lên rằng, con người không còn ở trong hào quang của Chúa nữa, họ cũng không còn nhìn nhau dưới hào quang đó nữa, họ thấy nhau như trần truồng và chẳng còn có thể chấp nhận nhau dễ dàng nữa. Tình trạng bình thường của tương giao, cả ở đây nữa, cũng bị chấn thương. Chúng ta dấu mặt nhau qua tấm áo, hay nói khác đi, phải chứng minh cho nhau qua những yếu tố xã hội bên ngoài. Như vậy, tấm áo trở nên biểu trưng cho chính con người đó, ta muốn dùng nó để tạo lại một cách bề ngoài phẩm giá bên trong đã bị thương tích của ta.Bức tranh hàm chứa một khoa thần học hay triết học về quần áo. Bức tranh đó hẳn cũng nói lên một cái nhìn thâm sâu về nhân chủng, mà tôi tin rằng, ta còn phải suy nghĩ lại trong từng điểm một. Nhưng, bảo rằng tội nguyên tổ đã tạo ra cái đạo đức quá đáng kia, thì chắc chắn không đúng.